Bạn có biết vì sao người Việt ta hay ăn bánh chưng với hành muối
Mỗi dịp Tết đến xuân về, dường như ai ai trong trong chúng ta cũng nhớ tới cặp câu đối từ xa xưa các cụ để lại:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Ngày nay, “cây nêu” và “câu đối đỏ” dường như đang dần mai một, “tràng pháo” bị nhà nước Việt Nam cấm từ lâu nên “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh” còn lưu truyền mãi và không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của mỗi gia đình người Việt.
Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc vì sao người miền Bắc thường ăn bánh chưng với dưa hành muối, bánh tét lại ăn kèm với củ kiệu (người miền Nam) và dưa món (với người miền Trung)?

Bạn biết đấy, bánh chưng, bánh tét được làm chủ yếu từ gạo nếp, đậu xanh, muối tiêu… nên rất giàu năng lượng, nhiều chất đạm, béo, vitamin…
Một góc bánh (1/8 chiếc bánh) có giá trị dinh dưỡng tương đương khi bạn ăn một bát cơm đầy với thức ăn. Mặc dù giàu năng lượng nhưng loại bánh này lại thiếu chất xơ.
Trong khi đó, ẩm thực Việt luôn đề cao sự hài hòa, cân bằng hương vị nên “đối” với sự ngấy của gạo, thịt ở bánh chưng thì cần món dưa góp, củ hành, củ kiệu, dưa muối… thanh thanh, chua chua.
Không những thế, loại thực phẩm này còn giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Chính vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác, đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid, chất béo… như bánh chưng, bánh tét.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, bạn không nên ăn quá nhiều bánh chưng, bánh tét với dưa hành hay củ kiệu bởi lượng đạm và lượng muối trong hai loại thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe bạn như tăng tiết dịch vị axit dạ dày, dễ bị đầy bụng, ợ chua, khó tiêu…
Do vậy, trong những ngày Tết, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn nhiều đồ béo, đường ngọt để cơ thể luôn khỏe mạnh trong dịp Tết này nhé!